Hồ Chí Minh từ truyền cảm thi ca

2022-05-22 18:44:00.0

 

Giữa núi rừng Việt Bắc ATK Định Hoá - Thái Nguyên những năm chống thực dân Pháp, Bác Hồ tức cảnh làm thơ lo vận nước: Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà (Ảnh: Tư liệu)

Năm 1968, nhà thơ Felix Pita Rodriguez (Cu Ba) viết bài “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ”. Một sự ngợi ca chân thành, gắn liền lịch sử dân tộc và cách mạng Việt Nam, song hành với tên tuổi Hồ Chí Minh. Tính sử thi, chính luận và trữ tình quyện hòa vào nhau, toả sáng từ chiều sâu tâm hồn đến phẩm chất: “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ/... Bởi vì ca ngợi Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh,/ Nhà thơ Hồ Chí Minh/ Người nông dân Việt Nam trong sáng Hồ Chí Minh,/ Là ca ngợi đất nước Việt Nam tươi đẹp và đau thương…”.

Đúng như thi sĩ người Cu Ba khẳng định “Hồ Chí Minh, tên Người là cả một niềm thơ”. Niềm thơ ấy khởi nguồn hình thành nên lưu vực thi ca bát ngát từ cuộc đời Bác, qua nhiều tác phẩm của người cầm bút trong nước. Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời một anh hùng dân tộc, một lãnh tụ vĩ đại. Cuộc đời của Bác cũng là cuộc đời của thi nhân. Không thi nhân sao được khi “Trong tù không rượu, cũng không hoa/ Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ/ Người ngắm trăng soi ngoài của sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ” (Ngắm trăng) và đây nữa, giữa núi rừng Việt Bắc những năm chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh viết: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa/ Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ/ Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà” (Cảnh khuya)...

Viết về Bác Hồ, nhà thơ Tố Hữu có những bài hay như “Sáng tháng Năm”; “Việt Bắc”; “Bác ơi!”; “Theo chân Bác”. Bài “Sáng tháng Năm”, Tố Hữu viết vào tháng 5 năm 1951 tại chiến khu Việt Bắc ; “Việt Bắc” viết vào tháng 10 năm 1954; “Bác ơi!” viết vào tháng 9 năm 1969; “Theo chân Bác” viết vào tháng 1 năm 1970. Hoàn cảnh sáng tác, trạng thái cảm xúc khác nhau, nhưng xuyên suốt trong các tác phẩm vẫn là hình tượng sáng đẹp của Bác Hồ. Sự vĩ đại của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng không lấn át bình dị, nhân hòa, độ lượng của một trái tim “Ôm cả non sông, mọi kiếp người”. Với tôi, sự lay động mãnh liệt nghiêng về vế sau, trái tim Hồ Chí Minh. Giữa khung cảnh Việt Bắc thời đánh Pháp “Suối dài xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn” hình ảnh Hồ Chí Minh hiện lên trong sáng và gần gũi vô cùng: “Bác kêu con đến bên bàn/ Bác ngồi Bác viết nhà sàn đơn sơ/ Con bồ câu trắng ngây thơ/ Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn/ Lát rồi, chim nhé, chim ăn/ Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà/ Bàn tay con nắm tay cha/ Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng”...(Sáng tháng Năm). Sau đó, Tố Hữu lại tiếp tục khắc tạc hình ảnh Bác Hồ trong thi phẩm “Việt Bắc” nổi tiếng: “Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời/ Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường/ Nhớ người những sáng tinh sương/ Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/ Nhớ chân Người bước lên đèo/ Người đi, rừng núi trông theo bóng Người…”.

Khi Bác mất, những cơn mưa mùa thu nối nhau không dứt, nỗi đau dân tộc khôn cùng, triệu triệu người khóc thương, “Ôi, phải chi lòng được thảnh thơi/ Năm canh bớt nặng nỗi thương đời/ Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người..”.(Bác ơi!). Nhân sinh quan Hồ Chí Minh chính là văn hoá tương lai “Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình, cho hết thảy/ Như dòng sông chảy, nặng phù sa” (Theo chân Bác). Cho đến hôm nay, tôi vẫn rưng rưng khi đọc những câu thơ: “Nhà gác đơn sơ, một góc vườn / Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối / Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn. / Máy chữ thôi reo, nhớ ngón đàn / Thong dong chiếc gậy gác bên bàn / Còn đôi dép cũ , mòn quai gót / Bác vẫn thường đi giữa thế gian... (Theo chân Bác).

Cảm hứng Bác Hồ tìm đường cứu nước hay xuất hiện trong thơ ca Việt một thời. Nhưng theo tôi, hình như chưa ai viết hay hơn nhà thơ Chế Lan Viên qua bài “Người đi tìm hình của nước”. Hình ảnh đất nước lồng quyện trong hình ảnh Bác Hồ, đó chính là cái “tứ” rất đẹp của thi phẩm: “Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi càng hiểu nước thương đau...”. Bác Hồ giác ngộ, cảm hoá quần chúng bằng chính cuộc đời mình. Tư tưởng yêu nước, thương dân được dọi sáng từ cuộc sống bình dị của Người. Không ngẫu nhiên mà Chế Lan Viên rung động: “Ôi, giữa lòng ta Bác đến tự hồi nào/ Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc/ Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác/ Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu...” (Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi).

Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Ngắm những dòng người vào Lăng viếng Bác, từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi đồng cảm với nhà thơ Viễn Phương khi nghĩ về Bác kính yêu: “Bác nằm trong Lăng giấc ngủ bình yên,/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/ Dẫu biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim…” (Viếng Lăng Bác).

Rõ ràng, sự truyền cảm thi ca về Hồ Chí Minh mang tính cộng hưởng. Vượt qua thời gian, những bài thơ hay về Bác luôn mang giá trị nghệ thuật cao. Trong thi ca có ánh xạ của lịch sử, có diện mạo của quá khứ, có tâm hồn dân tộc. Thơ ca đã góp phần cùng văn học nghệ thuật khắc hoạ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mang đậm nét tinh hoa truyền thống Việt Nam và văn hóa tương lai.

Đại tá, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý (tỉnh Quảng Trị)
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 188349

PHƯỜNG TRUNG THÀNH - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Tổ 5- phường Trung Thành- TP, Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Minh Anh Dũng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân phường Trung Thành. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 02083.832.140
  • trungthanh.tp@thainguyen.gov.vn