Tác nghiệp ở Trường Sa

2021-06-21 08:10:00.0

 

Chuyến đi và những kỷ niệm tác nghiệp khó quên

Đúng 16h45 phút ngày 21/12/2019, tàu kiểm ngư mang số hiệu KN490 kéo hồi còi dài chào tạm biệt đất liền rẽ sóng ra khơi bắt đầu hành trình hơn 1000 hải lý. Tàu chở đầy hàng hóa, nhu yếu phẩm và nhiều món quà tết từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi đến Trường Sa. Đoàn công tác trên tàu có khoảng 40 phóng viên, nhà báo thuộc các cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương và các tỉnh trong đó có phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên. Lần đầu được ra Trường Sa, được tác nghiệp nơi đầu sóng ngọn gió trên hải trình 20 ngày đêm trên biển; đến với các đảo chìm và đảo nổi thuộc tuyến phía Bắc Quần đảo Trường Sa, nơi có những chiến sỹ hải quân đang ngày đêm canh giữ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo chủ quyền của Tổ quốc... khiến tôi không khỏi bỡ ngỡ.

Các phóng viên tác nghiệp ngay khi vừa đặt chân lên đảo Song Tử Tây

Để chuẩn bị cho chuyến đi đặc biệt này, tôi phải tìm hiểu nhiều kênh thông tin, học hỏi kinh nghiệm của những đồng nghiệp đã đến Trường Sa, chuẩn bị cho chuyến công tác dài ngày trên biển rất chu đáo, tỉ mỉ; phương tiện tác nghiệp phải gọn nhẹ, hiệu quả và luôn tính toán phương án tác nghiệp, truyền tin về đất liền bảo đảm 200%. Tác nghiệp ở Trường Sa, nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, sóng to, gió lớn, chúng tôi vừa phải chống chọi với việc say sóng sau một hải trình dài, đồng thời luôn phải lo bảo quản máy móc thiết bị vì hơi nước biển mặn dễ làm hư hỏng thiết bị tác nghiệp. Thế nhưng, với người làm báo thì ai cũng mong muốn có được những thước phim, khuôn hình đẹp nhất về biển đảo quê hương.

Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân là đảo Song Tử Tây, tuy mệt mỏi sau hành trình gần 3 ngày đêm và say sóng nhưng khi vừa lên đảo, nhiệm vụ và tình yêu nghề đã làm vơi đi sự mệt mỏi. Những ánh mắt, nụ cười thân thương, sự tiếp đón nồng hậu của các chiến sĩ hải quân và Nhân dân trên đảo cũng làm tăng thêm sức mạnh tinh thần. Thời gian ở trên mỗi đảo thường rất ngắn, đối với đảo chìm chỉ hơn 1 giờ, nên chúng tôi phải chia nhau ra thành từng nhóm, phân ra từng khu vực để tác nghiệp, ai nấy đều căng mình làm việc quên cả bữa ăn; các  thiết bị được sử dụng tối đa, tranh thủ từng phút ở trên đảo, chụp ảnh ghi hình và phỏng vấn để có được nhiều thông tin nhất. Mỗi phóng viên đều tận dụng tối đa thời gian ngắn ngủi trên đảo, cố gắng không bỏ sót những khoảnh khắc đẹp và những hoạt động của cán bộ chiến sỹ và Nhân dân trên đảo để có thể phản ánh sâu sắc, trung thực nhất tới Nhân dân cả nước, những người chưa có dịp được đến Trường Sa.

Phóng viên rời tàu vượt biển, lên đảo chìm bằng xuồng máy

Khi tác nghiệp ở trên đảo, mỗi nhà báo, phóng viên phải tự mình lập phương án, kịch bản, đồng thời vừa là người quyết định, đạo diễn, vừa là người thực hiện mọi công việc của cơ quan truyền thông, để sớm có tác phẩm báo chí gửi về đất liền; có thể coi mỗi phóng viên như một “Tòa soạn hội tụ” của một cơ quan truyền thông đa phương tiện. Mỗi người phải tư duy và làm việc độc lập, đồng thời cũng phải biết phối hợp với đoàn công tác và Ban Chỉ huy đảo để thực hiện được những ý tưởng cho tác phẩm, như tìm gặp được nhân vật mình muốn để phỏng vấn, ghi hình… Bên cạnh đó việc chấp hành các quy định khắt khe về bí mật quân sự, an ninh an toàn, giờ giấc, lịch trình di chuyển cũng là những khó khăn đối với các phóng viên - nhưng biết đó là điều tạo nên sức mạnh của lực lượng Hải quân và Quân đội ta nên các phóng viên đều tuân thủ nghiêm túc các quy định.

Đã gần 2 năm từ ngày đến Trường Sa, nhưng tôi vẫn không thể quên những lời nhắn nhủ hàm chứa nhiều thông điệp của lãnh đạo Bộ tư lệnh hải quân Vùng 4, Lữ đoàn 146 đã nói với các phóng viên trong buổi họp đoàn trước khi tàu khởi hành ra đảo: “Cuối năm là mùa biển động nên thời gian chuyến đi có thể dài hơn 20 ngày, các nhà báo cần chuẩn bị tốt về sức khỏe, tinh thần, bảo quản tốt thiết bị để tác nghiệp. Việc say sóng là chắc chắn! Ngoài ra còn có những hiểm nguy khó lường trong suốt hành trình".

Trắng đêm canh sóng và niềm vui nghề báo

Suốt hải trình 20 ngày đêm lênh đênh trên biển, giữa đại dương bao la, chỉ khi nào tàu gần đảo thì mới chợt có sóng điện thoại, còn internet và mạng 3G là thứ xa xỉ, Smart phone hiện đại nhất cũng chỉ còn chức năng nghe gọi thông thường. Do vậy, việc liên lạc với đất liền thường xuyên bị gián đoạn. Khi ở trên đảo thì có mạng 2G, tuy nhiên mạng yếu, sóng chập chờn vì có nhiều người dùng nên việc gửi tin, ảnh về toà soạn là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhiều khi không thể. Dù vậy, các phóng viên đều biết khắc phục khó khăn, nhiều phương án, kịch bản phải thay đổi thể loại vì không thể gửi ảnh, clip về được; thể loại phóng sự được sử dụng nhiều để có thể ghi chép, tìm hiểu được nhiều nhất thông tin về cuộc sống và công việc của những người chiến sỹ hải quân trên đảo. Tuy phải tác nghiệp trong điều kiện rất khó khăn, nhưng đã có nhiều tác phẩm báo chí đã hoàn thành ngay trên boong tàu, chỉ chờ khi có mạng là gửi ngay về đất liền để tin tức ở Trường Sa đến với độc giả nhanh nhất.

Các phóng viên (Đài PT&TH tỉnh Điện Biên và Bình Dương) tác nghiệp ngay trên boong tàu KN 490

Trong đoàn phóng viên khi tác nghiệp ở Trường sa, tôi thực sự ấn tượng với Nhà báo có bút danh Mộc Miên (Đài PT&TH tỉnh Bình Dương); được biết chị là phóng viên có thâm niên về tuổi nghề, từng làm công tác quản lý và có thời gian dài không đi tác nghiệp hiện trường; nhưng khi đến Trường Sa, chị luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, tranh thủ từng phút để phỏng vấn, ghi hình thật nhiều, chị chia sẻ: Tác nghiệp ở Trường Sa là một trong những trải nghiệm nghề đặc biệt và hiếm có, đó là những ký ức đẹp không bao giờ quên.

Việc tác nghiệp ở biển đảo có những khó khăn riêng, vừa khai thác thông tin, nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố bí mật quân sự; tác nghiệp phải nhanh, cường độ làm việc cao, nhưng hình ảnh vẫn “phải đẹp, phải chất”, thông tin phải trung thực, chính xác; những trải nghiệm thực tế ở Trường Sa sau chuyến hải trình làm cho kinh nghiệm làm báo của tôi thêm dầy dạn, trưởng thành.

Trong chuyến hải trình thăm quân và dân tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tôi đã chứng kiến những nhà báo luôn say sưa tác nghiệp trong điều kiện khắc nghiệt nơi tuyến đầu Tổ quốc. Sau mỗi chuyến lên đảo trở về tầu, trong khi mọi người có thể nghỉ ngơi, giao lưu, thì các phóng viên lại tiếp tục công việc chuyên môn như: Sao chép dữ liệu, lên kế hoạch làm việc hôm sau hoặc viết bài, để khi có mạng internet là có thể gửi ngay về tòa soạn.

Các phóng viên chụp ảnh lưu niệm bên cột mốc chủ quyền trên đảo Nam Yết

Từ những phóng viên, nhà báo đầy kinh nghiệm đến những phóng viên trẻ mới vào nghề, từ những người mới đến Trường Sa lần đầu cho tới những người đã ra đây đến lần thứ 3, thứ 4… đều nỗ lực để có những bài viết, những hình ảnh, thước phim chứa đầy cảm xúc, góp phần chia sẻ cho độc giả, khán giả bức tranh đầy hơi thở sinh động về cuộc sống, chiến đấu và tình cảm quân dân nơi đảo xa để mỗi người càng ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền thiêng của Tổ quốc.

Đức Năm
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 187902

PHƯỜNG TRUNG THÀNH - THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN

Địa chỉ: Tổ 5- phường Trung Thành- TP, Thái Nguyên

Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Minh Anh Dũng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường

Bản quyền © 2020 Uỷ ban nhân dân phường Trung Thành. Bảo lưu toàn quyền

Thông tin liên hệ

  • 02083.832.140
  • trungthanh.tp@thainguyen.gov.vn